Gấc được biết đến như một nguyên liệu để làm xôi gấc, bánh chưng gấc hay đặc biệt là thành phần không thể thiếu cho trẻ khi bắt đầu giai đoạn ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Theo khuyến nghị của các chuyên gia về dinh dưỡng, các mẹ nên cho dầu gấc vào thức ăn dặm của bé để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chất. Bài viết này sẽ hướng dẫn các mẹ cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm một cách đơn giản nhất.
Thành phần dinh dưỡng trong quả gấc
Gấc là một loại thực vật dây leo được trồng rất nhiều tại Việt Nam nên các mẹ có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu. Và hạt gấc thì rất hay được dùng trong chế biến các món ăn ngày lễ thể hiện sự may mắn vì màu đỏ đặc trưng của các loại chất dinh dưỡng là beta-carotene và lycopene hay tìm thấy trong các trái cây có màu đỏ như cà chua, dưa hấu, đu đủ,…
Bên cạnh đó, gấc có chứa hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất cao hạng nhất trong các loại trái cây. Gấc là nguồn bổ sung dồi dào các Vitamin A và Vitamin E rất cần thiết cho chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tác dụng của gấc cho sức khỏe người lớn
Với những thành phần dinh dưỡng phong phú, gấc giúp làm giảm lượng LDL Cholesterol tránh tình trạng mỡ máu, chống xơ vữa động mạch và làm bền thành mạch máu. Từ đó có thể giúp loại bỏ tình trạng tai biến ở người lớn tuổi.
Trong dầu gấc có lượng Curcumin cao có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây nên ung thư trong thức ăn và nước uống hàng ngày mà chúng ta tiêu thụ. Từ đó nâng cao sức khỏe, và hệ thống miễn dịch.
Hợp chất Lycopene có màu đỏ trong quả gấc nhiều hơn gấp 70 lần so với cà chua giúp vô hiệu hóa đến 75% các chất gây nên bệnh ung thư như là ung thư vú ở phụ nữ hay ung thư tuyến tiền liệt hay gặp ở đàn ông. Bên cạnh đó chất Beta-carotene trong màng hạt gấc chống oxi hóa mạnh có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tác dụng tuyệt vời của gấc đối với trẻ
Trẻ em có nhu cầu về chất dinh dưỡng cao hơn nhiều so với người lớn, và những chất dinh dưỡng mà trẻ hấp thụ hàng ngày sẽ quyết định tới sự phát triển và thể trạng sau này. Cho nên, gấc đặc biệt quan trọng cho những bé từ 6 tháng tuổi bắt đầu giai đoạn ăn dặm vì giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất được tốt hơn khi bé bắt đầu tiếp nhận nhiều các dưỡng chất vào cơ thể.
Hàm lượng Vitamin A, Vitamin C và một số các axit béo trong quả gấc là những thành phần thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, nhất là cho những trẻ còi xương ốm yếu, giúp trẻ cải thiện chiều cao, cân nặng và ngay cả sức đề kháng.
Ngoài ra, nguồn Vitamin A dồi dào như vậy còn giúp phát triển thị giác cho trẻ một cách vượt trội.
Cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm đơn giản nhất
Chuẩn bị nguyên liệu
- 2 quả gấc to (tách được khoảng 100 gr hạt gấc)
- 500 ml dầu ăn (có thể dùng dầu oliu, dầu đậu nành)
- Ray lọc
- Lọ hoặc bình đựng thành phẩm
Kinh nghiệm mua và chuẩn bị gấc
- Lựa chọn quả gấc có gai đều, vỏ mỏng, nhìn căng và bóng
- Cứ 300 gr hạt gấc thì dùng với 1.5 L dầu tùy vào nhu cầu.
Cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm
- Bước 1: Các mẹ lấy dao bổ quả gấc ra làm đôi và tách hết hạt ra khỏi quả gấc
- Bước 2: Đối với những hạt mềm căng mọng nước, các mẹ dàn đều lên đĩa rồi đưa trong tủ lạnh với mức lạnh sâu ( từ 1 – 2 độ) qua 1 đêm. Hạt gấc khô ráo nước sẽ bảo quản được lâu hơn.
- Bước 3: Các mẹ rửa tay thật sạch sẽ hoặc dùng dao để tách thịt gấc ra khỏi hạt gấc và bỏ hạt
- Bước 4: Xay nhuyễn hoặc thái nhỏ gấc ra thành từng miếng mỏng
- Bước 5: Bỏ thịt gấc vào trong nồi cùng với dầu ăn, đun lửa nhỏ tầm 60 -70 độ (600W – 700W đối với bếp từ). Đun đến khi nào gấc khô lại, chuyển qua màu nâu (từ 1 – 1.5 tiếng). Các mẹ chú ý là cứ 10 phút là phải đảo đều nồi cho gấc không bị cháy.
- Bước 6: Vớt hết phần thịt gấc còn lại ở trong nồi, để nguội và sau đó tiến hành lọc qua rây để lấy dầu gấc. Rót dầu gấc vào trong lọ để bảo quản dùng dần. Thành phẩm dầu gấc có nước trong và thơm.
Cách sử dụng và bảo quản dầu gấc cho bé ăn dặm
Cách sử dụng
Các mẹ có thể sử dụng dầu gấc để trộn vào cháo, bột hoặc súp rồi cho bé ăn. Mẹ trộn vào bữa ăn của bé một thìa dầu gấc bằng thìa cà phê là đủ. Đến giai đoạn bé ăn cơm thì có thể trộn với thức ăn bé ăn hàng ngày hoặc dùng dầu gấc để nấu ăn thay thế dầu thường.
Bên cạnh đó, mẹ có thể nấu cho bé món một ăn phổ biến từ gấc đó là Cháo gấc theo những bước sau:
- Bước 1: Đãi và rửa sạch 50 gr Gạo tẻ và 20 gr Đậu xanh, nhặt bỏ sạn trấu nếu có. Sau đó các mẹ ngâm riêng đậu xanh và gạo tẻ trong nước lạnh khoảng 4 tiếng để khi nấu sẽ nhanh nhừ hơn.
- Bước 2: Cho gạo tẻ và đậu xanh vào máy xay để xay đều cùng với khoảng 500 ml nước. Sau đó dùng rây lọc lấy nước cho vào nồi rồi ninh cho nhừ.
- Bước 3: Cho dầu gấc vào cháo, khuấy đều trong vòng 2 phút rồi nhắc nồi xuống là được. Các mẹ có thể nêm thêm chút muối cho vừa khẩu vị.
Bảo quản dầu gấc
Dầu gấc bỏ trong lọ hay bình, các mẹ lưu ý đóng nắp kín, chỉ mở khi cần sử dụng.
Dầu gấc thường tự làm có thời gian bảo quản ngắn hơn vì không có chất bảo quản nên các mẹ tránh để ra ánh nắng trực tiếp. Thay vì thế, các mẹ để trong tủ lạnh ngăn mát, sẽ dùng được khoảng 1 tháng, lâu hơn khi để bên ngoài.
Các mẹ tránh làm dầu gấc quá nhiều, chỉ nên làm dầu gấc đủ dùng trong vòng 1 tháng rồi sau đó làm thêm mẻ mới để việc bảo quản đạt được hiệu quả cao nhất.