Thành phần chủ yếu của miếng dán hạ sốt là hydrogel, đây là các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước, nhưng chúng hút một lượng nước khá lớn ở vùng da được dán miếng dán, hạ sốt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài tại vùng da này, không có tác dụng toàn thân. Một số loại miếng dán hạ sốt còn có thêm tinh dầu (ví dụ menthol là tinh dầu bạc hà…), khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng dán ngoài da nên khả năng hạ sốt là rất hạn chế. Và trong miếng dán hạ sốt không hề chứa thuốc hạ sốt nên không có tác dụng toàn thân. Điều quan trọng đáng chú ý là cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em.
Tuy vậy, nhiều bậc phụ huy dùng miếng dán lạnh để hạ sốt cho con mà không biết rằng nếu không sử dụng đúng cách cũng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Miếng dán hạ sốt trẻ em rất dễ được tìm thấy ở các nhà thuốc, siêu thị trong thành phố. Một số phụ huynh rất chuộng và thường khi trẻ bị sốt vì cho rằng tiện lợi và không có biến chứng.
Tác hại khi dùng miếng dán hạ sốt
Không hạ sốt được cho trẻ: Hiện tại, phương pháp chườm lạnh để hạ thân nhiệt cho trẻ đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo là không sử dụng vì không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh nên rất hạn chế trong việc làm giảm thân nhiệt cho trẻ.
Gây biến chứng nặng nề do sốt: Cần phải lưu ý thêm rằng chức năng hạ sốt khi dùng miếng dán rất hạn chế cho nên những trường hợp trẻ sốt quá cao mà chỉ dùng miếng dán để hạ sốt sẽ vô tác dụng và nếu càng chậm trễ không dùng thuôc hạ sốt sẽ càng nguy hiểm bởi vì, nguy cơ dẫn đến việc trẻ bị co giật và gây biến chứng về não là điều khó tránh khỏi.
Kích ứng da cho trẻ: Da trẻ mỏng manh lại nhạy cảm, dễ bị dị ứng cho nên một số trẻ có thể bị dị ứng bởi các thành hóa chất có trong miếng dán.
Ảnh hưởng tới hệ hô hấp: Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng bởi hệ hô hấp do một số loại miếng dán có thành phần menthol. Đối với các trẻ sốt do viêm phổi, việc dùng miếng dán hạ sốt khiến hệ hô hấp của trẻ càng tổn thương do phải hoạt động nhiều hơn để bù đặp, dẫn đến việc gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt
Khi bé mới sốt, phụ huynh cần theo dõi thân nhiệt, sức khỏe tổng quan của bé trong khoảng 2 – 3 ngày. Trong thời gian này, cha mẹ có thể dùng nước ấm thấp hơn 2°C so với thân nhiệt của trẻ để lau người cho bé. Đồng thời, nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, nằm ở nơi thoáng gió;
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt có chứa paracetamol theo lời khuyên của bác sĩ (gồm loại thuốc, liều lượng sử dụng phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ). Phụ huynh lưu ý không nên cho bé uống nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm do phản ứng thuốc;
Không dùng cồn làm mát cho trẻ;
Với trẻ sơ sinh bị sốt, người mẹ cần cho bé bú đủ. Với trẻ lớn hơn, bé cần được uống đủ nước, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để làm mát cơ thể, tránh mất nước;
Đôi khi sốt cũng là dấu hiệu cảnh báo trẻ gặp một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bé có các biểu hiện như: sốt trên 38°C, sốt kéo dài trên 24 giờ (bé dưới 2 tuổi) và kéo dài trên 72 giờ (bé trên 2 tuổi), ngủ li bì, ngủ mơ, đi kèm triệu chứng đau họng, đau tai, đau đầu, phát ban, bứt rứt khó chịu, phản xạ kém, co giật, cơ thể tím tái,… cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời.
Thực tế, việc dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ chỉ là một giải pháp tình thế giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Các phụ huynh không nên dùng miếng dán thay thế thuốc hạ sốt. Với những phụ huynh vẫn muốn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Cha mẹ chú ý không dùng miếng dán khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi, không lạm dụng trong thời gian dài. Nếu sau khi dán miếng dán hạ sốt mà trẻ không giảm sốt thì cần cho trẻ đi khám ngay.
Nên uống thuốc hạ sốt như thế nào?
Dùng thuốc không hợp lý có tác hại xấu tới sức khỏe trẻ em, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ cao nhất là tử vong cho trẻ do ngộ độc thuốc sốt cấp tính. Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
- Chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt trên 38,5 độ C
- Liều lượng khi cho trẻ uống mỗi lần sốt là từ 10-15 mg/kg cận nặng.
- Khoảng cách giữa 2 lần sử dụng thuốc ít nhất là từ 4-6 giờ nếu trẻ còn sốt.
- Tổng liều sử dụng không được quá 60mg/kg/24h.
- Trường hợp sốt cao và bé không thể uống thuốc có thể cân nhắc đến việc cho hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn, việc nhét thuốc vào hậu môn cần tiến hành nhẹ nhàng, để tránh làm tổn thương vùng hậu môn . Lưu ý viên đặt hậu môn có thể tác dụng hạ sốt chậm hơn so với dạng gói bột.
- Chú ý hạn sử dụng thuốc, đảm bảo cho trẻ uống thuốc còn hạn sử dụng.
Những lưu ý khi trẻ bị sốt
- Nhiều bậc phụ huynh cho rằng con sốt thì không nên tắm, nhưng thực chất việc cho trẻ tắm với nước ấm (tắm nhanh, hay chỉ lau qua người) sẽ giúp bé hạ nhiệt hiệu quả. Việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.
- Lau cho trẻ bằng nước ấm, không phải lau bằng nước mát. Vì khi lau ấm làm cho mạch máu giãn nở để thoát nhiệt ra ngoài từ đó giúp cơ thể bé hạ nhiệt. Nếu như lau mát thì gây co mạch làm cho cơ thể giữ nhiệt hơn, dễ gây nguy hiểm cho bé.
- Lưu ý không dùng đồng thời Paracetamol và Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì sẽ gây nguy hiểm, tăng tác dụng không mong muốn.
- Thời điểm bé sốt nếu trẻ đã ăn dặm có thể cho bé ăn thức ăn loãng như cháo, canh, uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể với bé trên 6 tháng. Trẻ nhỏ thì tăng cường bú mẹ, bú theo nhu cầu của trẻ.
- Những trường hợp sốt cần đưa tới cơ sở y tế khi:
- Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi
- Trẻ sốt cao trên 40 độ C
- Trẻ bị mất nước với các biểu hiện như: Da khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt.
- Trẻ xuất hiện co giật
- Trẻ đau đầu nhiều, nôn nhiều, cứng cổ bất thường.
- Phát ban trên da
Không kiểm soát được nhiệt độ cơ thể, dù đã cho uống thuốc hạ sốt. - Trẻ xuất hiện thay đổi tri giác như: Lơ mơ, li bì, khó đánh thức hay quấy khóc nhiều, bứt dứt.
- Trẻ khó thở và không cải thiện sau khi làm sạch mũi trẻ.
- Trẻ không thể nuốt thức ăn; không bú được hoặc không thể uống nước được.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt cha mẹ cần đo nhiệt độ bằng nhiệt kế để xác định chính xác nhiệt độ trên cơ thể trẻ, khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt.
Cẩn thận khi lạm dụng miếng dán hạ sốt
Miếng dán hạ sốt có một ưu điểm đó là độ tiện lợi mẹ có thể mua ở các siêu thị, nhà thuốc. Sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ chỉ là giải pháp tình thế để giảm thân nhiệt cho con nên không có hiệu quả cao trong việc hạ sốt vì không có chứa paracetamol. Một số trường hợp sốt quá cao mà điều trị tại nhà bằng miếng dán hạ sốt sẽ dẫn tới co giật và gây biến chứng về não.
Miếng dán hạ sốt giúp giảm nhiệt độ cho vùng da được dán bằng phương pháp chênh lệch nhiệt độ. Do đó, khi mới dán sẽ có cảm giác mát lạnh khiến bé cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy tình trạng mát lạnh này không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ trở lại nhiệt độ ban đầu khá nhanh.
Trẻ bị sốt > 38 độ nên được hạ sốt bằng thuốc hoặc đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện kịp thời. Nếu dùng thuốc hạ sốt thì dùng Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg.
Mặc khác với trẻ nhỏ hết sức cẩn trọng vì da trẻ mỏng và nhạy cảm. Đa số các miếng dán hạ sốt đều có cảm giác mát lạnh, chứa thành phần hydrogel. Một số loại có tinh dầu vì thế khi đắp lên trán bé, một số bé dị ứng với tinh dầu thường có cảm giác khó chịu như: nổi mẩn đỏ, dị ứng, ngứa, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Tóm lại, miếng dán hạ sốt không tốt như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ, đôi khi còn gây hại cho trẻ. Miếng dán hạ sốt không thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn.