Hầu hết trẻ em nào cũng hay gặp phải tình trạng sốt, khi trẻ sốt bậc phụ huynh rất lo lắng nên vội vàng cho bé uống thuốc khi chưa cần thiết, lạm dụng việc sử dụng thuốc hạ sốt không tốt cho trẻ.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì có thể cho uống thuốc
Sốt ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân gây ra, vì vậy cần xác định được nguyên nhân gây sốt cho trẻ, từ đó kết hợp điều trị cả nguyên nhân và triệu chứng trẻ mới nhanh trở về trạng thái với sức khỏe và tinh thần bình thường.
Để xác định trẻ có sốt hay không, các bậc phụ huynh cần phải đo nhiệt độ cơ thể trẻ bằng nhiệt kế, không nên chỉ xác định tình trạng sốt bằng cách sờ trán và ước lượng một cách thông thường.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì nên cho trẻ uống thuốc:
Trường hợp trẻ sốt dưới 38,5 độ C: Mức nhiệt này trẻ được xác định là sốt nhẹ và trường hợp này chưa cần dùng tới thuốc hạ sốt, mà chỉ cần dùng các biện pháp vật lý. Dùng khăn ấm lau cho trẻ ở các vùng như trán, nách, cổ, bẹn cứ cách khoảng 15 phút lau lại một lần tới khi trẻ hết sốt, nới lỏng quần áo, mặc đồ thoáng mát cho trẻ, nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi cho trẻ bú theo nhu cầu và tăng số lần cho trẻ bú, nếu trẻ trên 6 tháng ngoài cho trẻ bú có thể cho trẻ uống thêm nước Oresol bù điện giải.
Trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C: Từ mức nhiệt độ 38,5 độ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt và kết hợp với các phương pháp vật lý giúp trẻ hạ sốt như ở trường hợp sốt nhẹ. Ngoài ra trẻ sốt do nhiều nguyên nhân gây ra, nên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để xác định được nguyên nhân và được bác sĩ kê các loại thuốc hạ sốt, liều lượng phù hợp với trẻ.
Sốt trên 39 độ C: Sốt ở mức nhiệt độ này có thể dẫn đến co giật do sốt cao. Với trường hợp này bố mẹ sau khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng mát nên cho trẻ tới viện để được xử lý kịp thời, nếu trẻ xuất hiện co giật dùng một khăn mềm vào miệng cho trẻ đề phòng trẻ cắn vào lưỡi và phải nhanh chóng hạ sốt, cởi bớt quần áo cho trẻ.
Miếng dán hạ sốt có tác dụng gì
- Miếng dán hạ sốt không những có tác dụng hạ sốt mà còn có rất nhiều lợi ích khi mẹ chăm sóc trẻ bị bệnh. Những ưu điểm của miếng dán hạ sốt là:
- Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ không dùng thuốc hạ sốt, mẹ có thể dùng miếng dán hạ sốt để hạ nhiệt nhanh chóng cho bé. Mẹ cũng sẽ không phải lo chuyện trẻ nôn ọe hết sữa hoặc thức ăn có lẫn thuốc.
- Hầu như tất cả các miếng dán hạ sốt cho trẻ sơ sinh đều ít có tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng nên bố mẹ có thể yên tâm về độ an toàn.
- Miếng dán hạ sốt có thể được sử dụng liên tục trong nhiều giờ, giúp kiểm soát cơn sốt cho trẻ và giúp bé dễ chịu hơn nhờ cảm giác mát mẻ.
Các loại thuốc hạ sốt dùng cho trẻ em
Trong tủ thuốc cá nhân gia đình nên dự trữ một số loại thuốc trong đó có thuốc hạ sốt.
Loại thuốc hạ sốt phổ biến hay được sử dụng nhất là Paracetamol ( hay gọi là Acetaminophen) và Ibuprofen. Tuy nhiên Paracetamol là loại thuốc được lựa chọn ưu tiên hơn vì: An toàn, có thể dùng cho nhiều đối tượng, sử dụng đúng cách ít tác dụng phụ và dễ sử dụng.
Ibuprofen không khuyến khích dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì nguy cơ thiếu an toàn. Do ở Việt Nam tỉ lệ sốt xuất huyết cao nên Ibuprofen không được sử dụng rộng rãi, do làm tăng nguy cơ chảy máu trong bệnh lý sốt xuất huyết.
Đối với trẻ em hạ sốt nên dùng cho trẻ loại Paracetamol đơn thuần: Trong thành phần chính của thuốc chỉ có Paracetamol, loại này có tác dụng hạ sốt và chống viêm nhẹ. Dùng trong các trường hợp sốt do trẻ mọc răng, sốt virus…
Có nhiều dạng chế phẩm phù hợp với trẻ như dạng gói bột có nhiều hương vị dễ uống tác dụng nhanh, dạng siro hay loại đặt hậu môn. Nên lựa chọn các loại thuốc có hàm lượng 80mg, 150mg và 250mg cho trẻ, tùy theo cân nặng của từng trẻ nhỏ.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì đặt thuốc vào hậu môn
Thuốc đặt hậu môn hay còn gọi là thuốc viên đạn, cũng thường xuyên được dùng để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên không nên dùng quá thường xuyên. Mỗi ngày không nên dùng thuốc đặt hậu môn quá 2 lần và nên xen kẽ giữa các lần dùng thuốc uống và thuốc đặt để đảm bảo việc hạ sốt cho trẻ được an toàn.
Loại thuốc này cũng được khuyến cáo dùng khi trẻ không thể uống được thuốc, trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy.
Không dùng thuốc viên đạn hạ sốt với trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm da vùng hậu môn – trực tràng… Không nên dùng cho trẻ thường bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn.
Trong loại thuốc đạn này có chứa paracetamol, vì vậy không được cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol, dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và ngộ độc thuốc.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì co giật
Trẻ sốt cao co giật thường gặp trong những trường hợp sau: Cơn giật xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi hoặc cơn giật xuất hiện khi trẻ đang sốt cao, thân nhiệt trên 39 độ C.
Trong cơn co giật sẽ có tính chất lan toả toàn thân (2 tay, 2 chân, mình và đầu), thời gian co giật ngắn dưới 10 phút. Sau cơn co giật, trẻ ngủ. Nếu đánh thức thì trẻ tỉnh dậy ngay chứ không rơi vào tình trạng li bì, mê man, hôn mê, gọi hỏi không biết.
Nên uống thuốc hạ sốt như thế nào?
Dùng thuốc không hợp lý có tác hại xấu tới sức khỏe trẻ em, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ cao nhất là tử vong cho trẻ do ngộ độc thuốc sốt cấp tính. Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
- Chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt trên 38,5 độ C
- Liều lượng khi cho trẻ uống mỗi lần sốt là từ 10-15 mg/kg cận nặng.
- Khoảng cách giữa 2 lần sử dụng thuốc ít nhất là từ 4-6 giờ nếu trẻ còn sốt.
- Tổng liều sử dụng không được quá 60mg/kg/24h.
- Trường hợp sốt cao và bé không thể uống thuốc có thể cân nhắc đến việc cho hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn, việc nhét thuốc vào hậu môn cần tiến hành nhẹ nhàng, để tránh làm tổn thương vùng hậu môn . Lưu ý viên đặt hậu môn có thể tác dụng hạ sốt chậm hơn so với dạng gói bột.
- Chú ý hạn sử dụng thuốc, đảm bảo cho trẻ uống thuốc còn hạn sử dụng.
Những lưu ý khi trẻ bị sốt
- Nhiều bậc phụ huynh cho rằng con sốt thì không nên tắm, nhưng thực chất việc cho trẻ tắm với nước ấm (tắm nhanh, hay chỉ lau qua người) sẽ giúp bé hạ nhiệt hiệu quả. Việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.
- Lau cho trẻ bằng nước ấm, không phải lau bằng nước mát. Vì khi lau ấm làm cho mạch máu giãn nở để thoát nhiệt ra ngoài từ đó giúp cơ thể bé hạ nhiệt. Nếu như lau mát thì gây co mạch làm cho cơ thể giữ nhiệt hơn, dễ gây nguy hiểm cho bé.
- Lưu ý không dùng đồng thời Paracetamol và Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì sẽ gây nguy hiểm, tăng tác dụng không mong muốn.
- Thời điểm bé sốt nếu trẻ đã ăn dặm có thể cho bé ăn thức ăn loãng như cháo, canh, uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể với bé trên 6 tháng. Trẻ nhỏ thì tăng cường bú mẹ, bú theo nhu cầu của trẻ.
- Những trường hợp sốt cần đưa tới cơ sở y tế khi: Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi hoặc trẻ sốt cao trên 40 độ C có hiện tượng co giật phát ban trên người
- Trẻ bị mất nước với các biểu hiện như: Da khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt.
- Trẻ đau đầu nhiều, nôn nhiều, cứng cổ bất thường.
- Không kiểm soát được nhiệt độ cơ thể, dù đã cho uống thuốc hạ sốt.
- Trẻ xuất hiện thay đổi tri giác như: Lơ mơ, li bì, khó đánh thức hay quấy khóc nhiều, bứt dứt.
- Trẻ khó thở và không cải thiện sau khi làm sạch mũi trẻ.
- Trẻ không thể nuốt thức ăn; không bú được hoặc không thể uống nước được.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt cha mẹ cần đo nhiệt độ bằng nhiệt kế để xác định chính xác nhiệt độ trên cơ thể trẻ, khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt.
Cẩn thận khi lạm dụng miếng dán hạ sốt
Miếng dán hạ sốt có một ưu điểm đó là độ tiện lợi mẹ có thể mua ở các siêu thị, nhà thuốc. Sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ chỉ là giải pháp tình thế để giảm thân nhiệt cho con nên không có hiệu quả cao trong việc hạ sốt vì không có chứa paracetamol. Một số trường hợp sốt quá cao mà điều trị tại nhà bằng miếng dán hạ sốt sẽ dẫn tới co giật và gây biến chứng về não.
Miếng dán hạ sốt giúp giảm nhiệt độ cho vùng da được dán bằng phương pháp chênh lệch nhiệt độ. Do đó, khi mới dán sẽ có cảm giác mát lạnh khiến bé cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy tình trạng mát lạnh này không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ trở lại nhiệt độ ban đầu khá nhanh.
Trẻ bị sốt > 38 độ nên được hạ sốt bằng thuốc hoặc đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện kịp thời. Nếu dùng thuốc hạ sốt thì dùng Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg.
Mặc khác với trẻ nhỏ hết sức cẩn trọng vì da trẻ mỏng và nhạy cảm. Đa số các miếng dán hạ sốt đều có cảm giác mát lạnh, chứa thành phần hydrogel. Một số loại có tinh dầu vì thế khi đắp lên trán bé, một số bé dị ứng với tinh dầu thường có cảm giác khó chịu như: nổi mẩn đỏ, dị ứng, ngứa, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Tóm lại, miếng dán hạ sốt không tốt như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ, đôi khi còn gây hại cho trẻ. Miếng dán hạ sốt không thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn.
Kết luận
Với những phụ huynh muốn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ (vì tiện lợi, rẻ tiền, dễ mua) thì cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi, không được lạm dụng và không dùng trong thời gian lâu. Nếu thấy trẻ không giảm sốt cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.