Chọn dung tích phù hợp với khả năng ăn của bé
Tiêu chí đầu tiên cha mẹ nên cân nhắc đó là lựa chọn dung tích của bình sao cho phù hợp với sức ăn của bé để đảm bảo dinh dưỡng cho bé, không bị thiếu và cũng không bị thừa. Cha mẹ có thể tham khảo theo quy tắc sau để chọn bình sữa phù hợp cho bé:
- Bình có dung tích từ 50 – 120ml thường phù hợp cho bé dưới 3 tháng tuổi.
- Bình có dung tích từ 100ml – 150ml thường phù hợp cho bé từ 3 đến 6 tháng tuổi.
- Bình loại có dung tích từ 225ml – 255ml thường phù hợp với bé từ 6 tháng tuổi trở lên.
Đối với các bé còn nhỏ, mỗi bữa chỉ cần cung cấp dưới 100ml, thì cha mẹ nên chọn các bình nhỏ vì trên bình sẽ có chia vạch nhỏ nhất là 10ml, sẽ giúp cha mẹ tính toán lượng sữa cho bé dễ dàng hơn. Các bình lớn thì thường có mức chia lớn hơn, từ khoảng 20 – 50ml, chủ yếu dành cho các bé ăn được nhiều hơn.
Việc cho bé ăn vừa đủ là rất quan trọng và vạch chia là yếu tố quan trọng trợ giúp cho các bậc huynh. Nếu ăn ít, thì việc thiếu dinh dưỡng là không thể tránh khỏi.
Còn nếu ăn quá nhiều, bé có thể bị nôn, chớ hoặc quấy khóc. Bên cạnh đó, pha vừa đủ lượng sữa sẽ giúp cha mẹ tiết kiệm hơn, tránh tình trạng phải đổ đi hoặc pha đi pha lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Chất liệu của bình sữa
Hiện nay có 3 loại chất liệu bình sữa được người tin dùng nhất là nhựa, thủy tinh và silicone. Mỗi loại chất liệu đều có đặc điểm riêng, chúng ta cùng tìm hiểu để lựa chọn loại bình sữa tốt nhất cho bé nhé!
Bình sữa làm từ nhựa
Bình sữa bằng nhựa là loại bình sữa phổ biến nhất hiện nay và cũng là loại thường có giá thành rẻ hơn so với thủy tinh và silicone. Bình sữa loại này có trọng lượng nhẹ.
Trong trường hợp rơi hoặc đổ thì ít xảy ra vỡ và có thể hạn chế chấn thương cho bé nếu sơ suất rơi vào người.
Tuy nhiên, chất liệu nhựa phổ biến trước đây dùng để làm bình sữa cho bé là Polycarbonate, trong chất liệu này thường chứa BPA – là một hóa chất công nghiệp rất độc hại.
Theo các nghiên cứu khoa học, tiếp xúc nhiều với chất chưa BPA có thể ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt và sự phát triển của các mô tuyến vú, do đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu tiếp xúc lâu ở nhiệt độ cao, thân bình có thể bị biến chất và sinh ra các chất không tốt cho sức khỏe.
Để chọn được bình sữa bằng nhựa an toàn, cha mẹ nên đọc kỹ thành phần chất liệu của bình. Các sản phẩm có các kí hiệu Free BPA, Non –Toxic plastic, No – bisphenol A, 0% bisphenol A hoặc có các ký hiệu tái chế số “2”, “5” thì có thể lựa chọn.
Cảnh giác với các sản phẩm được dán nhãn với số là “3” và “7” hoặc với hai chữ cái “PC”, loại này thường sẽ chứa BPA, BPS hoặc BPF, đây là nhựa không an toàn, mẹ tuyệt đối không được mua.
Trên thị trường hiện nay lưu hành rất nhiều sản phẩm giả, làm nhái và kém chất lượng nên cha mẹ cần tới các cơ sở uy tín và lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu đã có chỗ đứng nhất định. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số lưu ý sau để sử dụng bình nhựa an toàn cho bé:
- Chỉ cho sữa vào bình khi chuẩn bị cho bé bú.
- Không nên cho bé sử dụng phần sữa thừa, đặc biệt là phần sữa đã để lâu trong bình.
- Không hâm nóng sữa trong bình nhựa.
- Không để bình sữa nhựa vào lò vi sóng hoặc máy rửa chén.
- Khi thấy bình sữa biến dạng, mòn hoặc sử dụng quá nửa năm, cha mẹ nên thay thế bình sữa khác.
- Cha mẹ nên sử dụng thêm các dụng cụ vệ sinh bình, nắp đậy và túi sữa chuyên dụng để hỗ trợ việc vệ sinh, bảo quản bình sữa.
Bình sữa làm từ thủy tinh
Bình sữa bằng thủy tinh có khả năng chịu nhiệt rất tốt và việc vệ sinh cũng vô cùng đơn giẩn. Các loại bình làm bằng thủy tinh cũng chứa ít các chất gây độc hại hơn bình nhựa vì không chứa BPA và ít bị biến dạng.
Ngoài ra, bình sữa loại này cũng sẽ giữ chất dinh dưỡng trong sữa tốt hơn và an toàn hơn dù mẹ có đựng sữa cho bé ở thời gian dài. Tuổi thọ trung bình của loại bình này khá tốt, mẹ chỉ phải thay thế khi có dấu hiệu sứt, mẻ để đảm bảo an toàn cho bé trong quá trình sử dụng.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại bình sữa thủy tinh được bổ sung thêm một lớp silicon, giúp làm tăng khả năng chịu nhiệt và chống va đập rất tốt.
Tuy nhiên, loại bình này có giá thành thường đắt hơn so với một số loại bình khác. Chúng sẽ có trọng lượng nặng hơn so với bình nhựa, bé sẽ cần nhiều lực hơn để giữ bình, khả năng xảy ra tai nạn cũng cao hơn.
Do đó, khi dùng bình sữa thủy tinh, mẹ không bao giờ được để bé tự cầm ngay cả khi tay bé đã có thể cầm nắm đồ vật chắc chắn.
Bình sữa làm từ silicone
Đây là chất liệu tốt nhất trong ba loại chất liệu phổ biến hiện nay do khắc phục được nhiều điểm yếu của bình sữa thủy tinh và bình sữa bằng nhựa do các lí do sau:
- Silicone là một trong những công nghệ tiên tiến nhất.
- Trọng lượng nhẹ.
- Bình sữa silicone siêu mền, không chứa chất gây độc hại, khả năng đàn hồi cao, không bị vỡ, xước hay méo mó trong quá trình sử dụng.
- Người dùng có thể hâm nóng sữa trong bình sữa silicone mà không cần phải lo lắng.
- Loại bình này là thường có van an toàn, giúp đảm bảo cho lượng sữa không chảy quá mức cân thiết.
- Thời gian sử dụng được rất lâu.
Tuy nhiên, bình sữa silicone thường có giá thành cao và có một điểm yếu duy nhất đó là có thể bị chảy nếu trong quá trình tiệt trùng bằng cách đun sôi mẹ để bình chạm xuống đáy nồi.
Kiểu dáng cổ bình
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bình sữa với vô vàn kiểu dáng cổ bình khác nhau. Từ những thiết kế to nhỏ khác nhau đến những kiểu dáng đặc trưng giống bầu ngực của mẹ hoặc phình to ở phần cổ, thon gọn ở phần thân để bé cầm nắm dễ dàng.
Thiết kế cổ bình sẽ ảnh hưởng đến hình dáng, kích thước của núm ti và phần nào đó liên quan đến tốc độ chảy sữa. Nhưng 2 kiểu dáng được người dùng ưa chuộng nhất là bình cổ rộng và bình cổ hẹp.
Bình cổ rộng
Là loại bình khá tiện lợi. Đây là kiểu dáng thuận tiện cho việc vệ sinh, sau khi sử dụng có thể cho dụng cụ rửa vào sâu dưới đáy dễ dàng.
Bình cổ rộng sẽ giúp tiết kiệm hơn do sẽ tránh được việc đổ sữa bột ra ngoài trong việc đổ sữa vào bình. Thiết kế của bình cổ rộng gần như tương tự bầu sữa của mẹ, mang đến cảm giác gần gũi cho bé hơn.
Bình cổ hẹp
Bình cổ hẹp thường vệ sinh khó hơn, mẹ cần phải dùng dụng cụ chuyên dụng để cọ rửa mới có thể vệ sinh đươc tận dưới đáy bình. Và việc đong sữa cũng trở nên khó khăn, cha mẹ cần thật cẩn thận để tránh gây lãng phí.
Tuy nhiên, vì bàn tay bé còn nhỏ nên bình cổ hẹp sẽ giúp bé dễ cầm nắm hơn.
Thiết kế núm ti
Núm ti là bộ phận trực tiếp liên quan đến việc bé có bú bình hay không. Để chọn được núm vú phù hợp, cha mẹ cần dựa vào các tiêu chí sau: chất liệu, kích cỡ, hình dạng, tốc độ dòng chảy, lỗ thông hơi để lựa chọn.
Chất liệu núm ti
Hiện nay có 2 loại chất liệu núm ti là núm ti cao su và núm ti silicone.
Núm ti cao su khá mềm, tạo cảm giác giống ti mẹ hơn, phù hợp với nhứng bé mới sinh. Tuy nhiên, núm ti cao su mới thường có mùi hơi khó chịu và thời gian sử dụng không bền, chỉ khoảng 1 tháng, một số em bé có thể bị dị ứng với loại chất này.
Trước khi sử dụng lần đầu, cha mẹ nên luộc qua nước sôi nhiều lần để loại bỏ mùi khó chịu.
Núm ti silicone thường cứng hơn núm cao su và không có mùi khó chịu, giữ dáng lâu hơn. Trong giai đoạn mọc răng, các bé thường có thói quen nhai và cắn núm ti do hiện tượng “ngứa răng” nên sử dụng núm ti silicone rất phù hợp.
Tuy giá thành có cao hơn nhưng bù lại núm silicone khá bền, không có mùi khó chịu, các nhà sản xuất cũng cam kết núm ti không chứa các chất độc hai, gây dị ứng và thường trải qua quá trình kiểm soát chất lượng nghiệm ngặt trước khi được đưa vào thị trường.
Hình dáng núm ti
Hình dáng núm ti có thể ảnh hưởng đến khả năng bú nhiều hay bú ít của bé do khuôn miệng của mỗi bé là khác nhau nên cha mẹ nên sử dụng nhiều loại kiểu dáng để giúp bé ăn được nhiều nhất có thể.
Nếu bình sữa cổ rộng thì núm vú sẽ có bầu được thiết kế to hơn bình cổ hẹp, nhằm tạo cho bé cảm giác như đang được bú mẹ. Trong đó, núm vú truyền thống có hình dạng giống hình bầu ngực của mẹ hay núm vú nha khoa, được thiết kế để chứa vòm miệng và nướu của trẻ, có tác dụng định hình cấu trúc răng của bé.
Nên thay núm ti sau một khoảng thời gian sử dụng
Điều này là vô cùng cần thiết, do núm ti là bộ phận tiếp xúc trực tiếp tới khoang miệng của bé, nên cha mẹ cần chú ý để đảm bảo sức khỏe cho bé. Để biết lúc nào cần phải thay núm ti, cha mẹ có thể dựa vào các đặc điểm sau để biết khi nào mình cần thay núm mới cho bé yêu của mình:
- Để kiểm tra núm ti đang sử dụng cho trẻ từ 0 – 3 tháng, cha mẹ có thể kiểm tra bằng cách dốc ngược bình sữa, nếu sữa chảy nhỏ giọt liên tục thì núm ti vẫn sử dụng được, nếu sữa chảy thành dòng thì nên thay cái khác.
- Đối với núm ti cao su thì sau khoảng 1 – 1.5 tháng cha mẹ nên thay mới 1 lần, còn núm ty silicone thì khoảng 6 tháng
- Nếu núm ti bị các hiện tượng như đổi màu, mỏng đi, dính lại hoặc khi kéo giãn ra các hướng không quay lại hình dáng ban đầu thì cũng nên thay cái mới.
Tốc độ chảy sữa của núm ti
Ngoài bị ảnh hưởng bởi lực hút của trẻ, tốc độ chảy của sữa cũng bị ảnh hưởng bởi kích thước của núm ti. Tùy theo độ tuổi của bé mà cha mẹ có thể chọn loại núm có tốc độ chảy phù hợp.
- Trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi thường sẽ phù hợp với núm ti kích thước nhỏ nhất (size S). Núm ti size S có lưu lượng chảy sữa chậm nhất do trên đầu núm ti chỉ có 1 lỗ nhỏ, giúp bé không bị sặc
- Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi phù hợp với size M, tốc độ dòng chảy của sữa sẽ lớn hơn, trên đầu núm ti sẽ có 2 lỗ nhỏ.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi thì phù hợp với núm ti size L, có 3 tia sữa, do lúc này lực hút của bé khá mạnh.
(Tùy thuộc vào nhà sản xuất nhưng nhìn chung những loại núm ty cho bé đều được đánh số 1, 2, 3, 4 hay S, M, L để mẹ dễ dàng hơn trong việc chọn lựa. Mỗi mã số đều sẽ quy ước số tia (lỗ) trên từng núm ti)
Chức năng thông khí
Chức năng thông khí để giúp bé tránh tình trạng sặc sữa và đầy hơi trong quá trình ăn. Trên thị trường hiện nay có một số loại bình sữa được thiết kế 1 đến 2 van thông khí. Các van thông khí đóng vai trò như đường đi vào bình của không khí bên ngoài để sinh ra áp lực.
Khi bé bú liên tục thì không khí sẽ được hút vào trong bình thông qua van này, giúp việc ti của bé dễ dàng hơn.
Nếu không có van thông khí, bé sẽ cần dùng nhiều sức hơn để hút sữa. Lúc này, núm ti sẽ xẹp lại, sữa sẽ không được đưa vào miệng một cách liên tục, khiến bé phải há miệng cho núm vú căng trở lại, đồng thời nuốt phải không khí.
Đây là nguyên nhân chính tạo ra bọt khí trong dạ dày, khiến bé bị đầy bụng và khó chịu. Nếu bé không ợ hơi được sau khi ăn thì rất dễ dẫn đến việc bị nôn trớ.