Trong quá trình chăm sóc cho trẻ sơ sinh, cha mẹ chắc hẳn sẽ gặp phải trường hợp bé khi ngủ thì tự nhiên ho. Điều này làm cho cha mẹ bất ngờ từ đó dẫn đến lo sợ, hoảng hốt khiến cho việc tìm hiểu triệu chứng không rõ ràng mà áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp, làm cho tình trạng của bé trở nên trầm trọng hơn. Cùng Vnshop tìm hiểu thêm về vấn đề trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ qua bài viết dưới đây.
Vì sao trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ ?
Ho vào ban đêm khi ngủ, đặc biệt là ơ trẻ sơ sinh là điều rất phổ biến, thường gặp khi trẻ gặp các vấn đề về sức khoẻ. Do vậy, không ít bà mẹ đều cảm thấy lo ngại khi phải đối mặt với hiện tượng này ở trẻ sơ sinh vì điều này còn có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang mắc phải một số bệnh lý như rối loạn tiêu hoá, viêm đường hô hấp, cảm cúm,… đồng thời việc bé ho khi ngủ có thể đi kèm với các triệu chứng như ngủ không ngon giấc, nôn trớ, khiến cho cả mẹ và bé phải vất vả trong việc vệ sinh.
Tuy nhiên, ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất dị vật lọt vào đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Khi trẻ sơ sinh bị bệnh đường hô hấp, ho giúp đường hô hấp thông thoáng, tống xuất đờm, dịch mũi họng… ra ngoài. Có hai kiểu ho điển hình ở trẻ sơ sinh:
- Ho khan: Ho khan xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Trẻ sơ sinh bị ho khan là do thanh quản bị viêm và phản ứng của khí quản dưới sự thay đổi của nhiệt độ về chiều tối và ban đêm, đôi khi kèm theo triệu chứng thở khò khè.
- Ho có đờm: Đây là biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nhầy có màu trắng hoặc xanh.
Trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ có nguy hiểm không ?
Việc trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ có thể còn là dấu hiệu của một số các loại bệnh về đường hô hấp, nếu như cha mẹ không phát hiện cho bé đi đến gắp bác sĩ để kiểm tra sớm thì sẽ khiến cho tình trạng của bé trở nên trầm trọng hơn.
Đôi khi, vào lúc nửa đêm, khi cả nhà đi ngủ, trẻ sơ sinh có thể ngẫu nhiên ho, làm cho bé quấy khóc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả nhà. Nếu như cơn ho ngắn mà chỉ ho nhẹ thì cha mẹ chỉ cần bế và xoa nhẹ lưng của bé cho đến khi bé ngủ trở lại, còn đối với trường hợp cơn ho của bé dài, nặng kèm theo với một số các triệu chứng như sổ mũi, ho có đờm, ho khan thì cha mẹ nên lập tức cho bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra cũng như được tư vấn các chăm sóc cho bé nếu bị bệnh.
Cách nhận biết một số loại ho hay gặp ở trẻ sơ sinh
Ho do bị cảm lạnh
Các dấu hiệu đi kèm với cảm lạnh hoặc cúm bao gồm ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, cổ họng đau rát,… Trong giai đoạn này, trẻ thường bị ho khan, nhưng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, cơn ho của bé có thể kèm thêm đờm cùng với sốt nhẹ vào ban đêm.
Ho do bị viêm họng
Ở trường hợp này, bé thường ho nhiều, đặc biệt là vào khoảng thời gian ban đêm hoặc là gần tới sáng. Các cơn ho thường kéo dài và còn kèm theo tiếng thở khò khè. Trường hợp này hầu hết đều được các chuyên gia khẳng định là do các loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp của bé, khiến cho niêm mạc khí quản của bé bị phồng lên làm cho bé bị khó thở.
Ho do bị viêm phế quản
Ở trường hợp này, trẻ thường hay xuất hiện các dấu hiệu ho, thở khò khè và đôi lúc bé sẽ cảm thấy khó thở. Phần lớn các bé bị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, loại virus này khiến cho trẻ bị cảm lạnh, nhưng chúng có thể xâm nhập vào phổi của trẻ sơ sinh và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Ho gà
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh thường rất khó để nhận biết do các triệu chứng không rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn nếu như không kiểm tra cẩn thận. Vì vậy việc xác định nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh bị ho gà rất khó khăn.
Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp của bé do vi khuẩn Bordetella pertussis, hơn nữa bệnh này còn có tính truyền nhiễm, có thể dễ dàng lây nhiễm sang cho người khác khi có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc do không khí bên trong có chứa vi khuẩn gây bệnh.
Cha mẹ có thể tham khảo thêm qua bài viết: Những điều cha mẹ nên biết khi trẻ sơ sinh bị ho gà
Ho do bị viểm phổi
Viêm phổi là một căn bệnh rất nguy hiểm với mọi đối tượng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Đây là một bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn ở trong phổi gây nên bởi các nguyên nhân khác nhau, trong đó có cảm lạnh thông thường. Khi trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ do bị viểm phổi sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho có đờm màu xanh hoặc vàng, bú kém hoặc bỏ bú và kèm theo triệu chứng sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt.
Vậy cha mẹ phải làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ ?
Giữ ấm cho bé
Với các trẻ đang bị ho, các mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, mặc quần áo đủ ấm, không để điều hòa trong phòng quá lạnh, đặc biệt vào đêm và gần sáng. Mùa đông cần giữ ấm đường hô hấp cho bé bằng khăn quàng cổ, ra ngoài trời cần mặc ấm, đeo khẩu trang.
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ
Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng về thực phẩm giúp trẻ có sức khỏe tốt và hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn bệnh nên khuyến khích trẻ uống nước, đặc biệt nước hoa quả, giúp cung cấp các vitamin thiết yếu và lượng nước cần thiết cho trẻ.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ thường nôn trớ do dạ dày bé còn nhỏ, vị trí dạ dày nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu. Để giảm bớt triệu chứng này, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị nôn trớ ra ngoài. Mẹ nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, mức độ lỏng của đồ ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Vỗ lưng giúp trẻ lưu thông tuần hoàn máu ở phổi
Khi trẻ sơ sinh ho có đờm, ho khò khè cha mẹ có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng cho trẻ, giúp lưu thông tuần hoàn máu ở phổi, long đờm trong phế quản.
Cách vỗ lưng long đờm cho trẻ như sau:
- Khum bàn tay và gập bàn tay ở chỗ cổ tay lại.
- Năm ngón tay sát vào nhau, ngón cái ép chặt vào ngón trỏ. Vỗ vào lưng trẻ từ trái sang phải, mỗi bên khoảng từ 3 – 5 phút.
- Vỗ vào vị trí phổi của trẻ, không vỗ vào vị trí dạ dày, xương sống.
- Không nên thực hiện vỗ lưng khi trẻ vừa ăn no vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
Vệ sinh bé và môi trường xung quanh
Nếu trẻ có nước mũi, nước dãi thì dùng giấy mềm lau sạch rồi vứt bỏ, không tái sử dụng. Nếu dùng khăn lau thì phải chú ý vệ sinh khăn nếu không sẽ vô tình khiến vi khuẩn bám trên khăn tấn công cơ thể trẻ.
Vệ sinh nhà cửa, khu vực đặt trẻ, đồ chơi, đồ dùng của trẻ sạch sẽ ngăn ngừa các vi khuẩn bám trên đồ dùng của bé, cũng giúp làm giảm các triệu chứng trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè.
Vậy lúc nào cha mẹ nên cho bé đến bệnh viện ?
Hãy đưa bé đến bệnh viện ngay nếu con bạn có một trong các dấu hiệu sau:
– Bé nhỏ hơn 4 tháng tuổi và bị ho
– Ho khan và có các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh kéo dài hơn 5 – 7 ngày nhưng không sốt
– Ho khan, ho có đờm kèm theo các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và sốt từ 38°C trở lên
– Thở khò khè hoặc thở nhanh
– Ho kịch phát, đột ngột và kéo thành từng cơn
– Da xanh hay tím tái.
Trẻ sơ sinh còn rất nhỏ nên sức đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh. Do đó, cha mẹ cần tự trang bị kiến thức để không quá lo lắng mỗi khi con bị bệnh, không tự ý cho con uống thuốc sẽ tránh được các ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của trẻ. Hãy quan sát kỹ những dấu hiệu của trẻ, nếu nhận thấy có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Nếu không chắc chắn con bị ho là do đâu, bạn nên đưa con đến bác sĩ để được thăm khám, hướng dẫn chăm sóc hoặc điều trị kịp thời.
Qua bài viết trên, Vnshop mong rằng đã mang đến cho cha mẹ thêm nhiều thông tin hưu ích về trường hợp trẻ sơ sinh bị ho khi ngủ. Xin chân thành cảm ơn cha mẹ đã dành thời gian theo dõi bài viết này và xin hẹn gặp lại các cha mẹ ở những bài viết tiếp theo.