Ngủ là hoạt động rất bình thường của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số cha mẹ cho rằng con mình ngủ nhiều hơn so với mức bình thường. Vậy trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
Tìm hiểu thời gian ngủ của trẻ qua từng giai đoạn
Ngủ là hoạt động chính của trẻ sơ sinh, việc chăm sóc giấc ngủ và dinh dưỡng đầy đủ giúp đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con. Đối với mỗi giai đoạn tuổi, trẻ lại có nhu cầu khác nhau về giấc ngủ. Cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh: 16 đến 18 giờ, mỗi giấc ngủ từ 2 đến 4 giờ.
- Từ 2 tháng đến 6 tháng : 14 đến 16 giờ.
- Từ 6 tháng đến 1 tuổi: 14 giờ.
- Từ 1 đến 3 tuổi: 10 đến 13 giờ.
- Từ 3 đến 5 tuổi: 10 đến 12 giờ.
Lợi ích của giấc ngủ đối với bé yêu
Thực tế, giấc ngủ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của trẻ. Ngủ tốt và đủ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch, trí nhớ, việc học hỏi, các hoạt động trao đổi chất để lớn lên của cơ thể.
Theo một số công trình nghiên cứu, trong lúc ngủ, não bộ tiết ra hoocmon để kích thích sự tăng trưởng chiều cao. Bên cạnh đó, những bé có nhiều giấc ngủ đủ và chất lượng tốt sẽ thông minh hơn so với bé ngủ ít và không ngon.
Do đó, cha mẹ cần quan tâm thật sát sao giấc ngủ của bé yêu nhà mình.
Ngoài ra, trẻ ngủ đủ giấc cũng đảm bảo cho hệ thần kinh trung ương được hoạt động tốt hơn. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, ít xảy ra tình trạng quấy khóc nếu được ngủ đầy đủ.
Giấc ngủ sâu còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh – đối tượng có hệ miễn dịch yếu. Giúp bé phòng tránh nhiều bệnh, ăn ngon và mau lớn hơn.
Vậy trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không
Theo các chuyên gia, đây là nhu cầu bình thường ở các trẻ sơ sinh. Từ khi sinh ra cho đến khoảng 3 tháng tuổi, các bé thường chỉ dành thời gian để ngủ và chỉ thức dậy khi cảm thấy đói.
Chính vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của trẻ để giúp trẻ phát triển toàn diện. Ở hướng ngược lại, nếu bé không được ngủ đủ và ngon giấc vừa làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần vừa khiến cha mẹ mệt mỏi hơn trong quá trình chăm sóc.
Như vậy, giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con, do đó, việc trẻ sơ sinh ngủ nhiều không đáng lo ngại.
Hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít
Mặc dù ngủ nhiều hoàn toàn không ảnh hưởng đến bé nhưng trong một số trường hợp thời gian ngủ chiếm thời gian ăn của trẻ, khiến trẻ không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, dẫn tới còi cọc, chậm phát triển, hệ miễn dịch yếu.
Trường hợp này xảy ra khi trẻ chỉ biết ngủ mà thường không có cảm giác đòi bú mẹ, thời gian ngủ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Do lúc này dạ dày của con còn quá yếu nên khó bú được nhiều trong 1 bữa vì vậy mẹ cần cho bé bú đủ số lần trong ngày. Thông thường là từ 10 – 12 lần.
Một số bé ngủ nhiều bú ít cũng có thể do bệnh lý. Cha mẹ cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân để có giải pháp khắc phục đúng cách nhất nhé.
Cha mẹ có thể tham khảo một số hoạt động sau để giúp bé tiêu hao năng lượng, tạo cảm giác đói:
- Trò chuyện và chơi đùa cùng bé. Cách này sẽ giúp bé cảm thấy hạnh phúc khi được giao tiếp với mọi người trong gia đình. Đồng thời giúp bé phát triển não bộ.
- Cởi tã: Điều này sẽ tạo sự mát mẻ và làm bé tự mở mắt tỉnh dậy.
- Lau mông nhẹ bằng nước hơi ấm sẽ kích thích làn da của bé. Nhờ đó sẽ giúp bé tỉnh táo.
- Massage bằng khăn ấm: Cha mẹ có thể dùng một chiếc khăn ấm lau thật nhẹ nhàng lên cơ thể bé, kết hợp dùng tay massage, sự tiếp xúc da thịt sẽ nhanh chóng kích thích bé tỉnh giấc.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể áp dụng các cách trên. Vậy nên cha mẹ cần cho bé đi khám khi thấy một hoặc đồng thời các dấu hiệu sau:
- Trẻ trên 6 tháng tuổi nhưng thời gian ngủ không có dấu hiệu giảm so với lúc mới sinh.
- Tình trạng trẻ ngủ quá nhiều, khó đánh thức, không chịu ăn diễn ra trong một thời gian dài.
- Trẻ ngủ quá nhiều, miên man cùng với sốt.
Khi nào cần đánh thức bé dậy để ăn
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, sẽ có lúc bé ngủ quên cả cảm giác đói. Nên cha mẹ cần đánh thức bé dậy vì dạ dày bé còn nhỏ nên không thể cộng dồn 2 hoặc nhiều cữ vào 1. Như vậy bé sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trong tháng đầu tiên, thông thường cứ khoảng sau 1.5 đến 2 tiếng thì bé cần ăn một lần vào ban ngày. Ban đêm, thì sau khoảng 3.5 đến 4 tiếng. Mỗi trẻ sẽ có sự khác nhau về thời gian nhưng đều cần bú từ 8 đến 12 cữ tương đương khoảng 300 – 600ml một ngày.
Như vậy, ban ngày nếu bé ngủ quá 2 giờ đến 3 giờ thì cần đánh thức bé dậy cho bú, và ban đêm là từ 4 giờ đến 5 giờ. Nếu cha mẹ tính toán được lượng sữa bé bú ban ngày đã đủ, đại tiện và tiểu tiện thường xuyên, tăng cân trong mức tiêu chuẩn thì ban đêm nếu bé có ngủ say thì cũng ko cần đánh thức bé dậy.
Qua 3 tháng tuổi, sức ăn của bé sẽ tăng lên nên sẽ nhận đủ năng lượng vào ban ngày nên có thể ngủ 5 giờ đến 6 giờ vào ban đêm, lúc này cha mẹ có thể không cần phải thức dậy vào ban đêm.
Cha mẹ có thể tập luyện cho em bé ăn vào giờ nào, ngủ vào giờ lúc ban ngày và ngủ xuyên đêm khi bé được 6 tháng tuổi.