Mật ong với thành phần fructose giúp chuyển hóa rượu ra khỏi cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu cách giải rượu bằng mật ong cho những ngày Tết sắp tới.
Năm hết Tết đến, không thể tránh khỏi những bữa ăn Tất niên, hội họp tiệc tùng, và hiển nhiên là cả những lời chúc tụng với chén rượu, cốc bia mở lời câu chuyện. Tuy nhiên việc tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn đưa con người ta vào trạng thái chuếnh choáng, không kiểm soát được bản thân và gây nên những tình huống đáng tiếc. Do vậy, một phương thuốc giải rượu hữu hiệu trong khoảng thời gian này là điều cần thiết.
Mật ong có giải rượu được không?
Khi cồn thâm nhập cơ thể, gan là cơ quan phải làm việc căng thẳng nhất để chuyển hóa loại chất này thành acetaldehyde. Tuy nhiên sản phẩm thừa này cũng là một chất độc khác thậm chí còn gây hại nhiều hơn cả cồn. May mắn thay tác hại của acetaldehyde chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn hạn – miễn là bạn không lạm dụng rượu bia. Mặt khác, loại hợp chất này là nguyên nhân chính khiến cho cơ thể người uống rượu bia cảm thấy suy nhược, nôn nao, đau đầu, mất kiểm soát hành vi bản thân.
Đường fructose có trong mật ong là một hợp chất thiết yếu giúp cho cơ thể chuyển hóa cồn thành một sản phẩm phụ vô hại khác. Cụ thể hơn, cơ thể của bạn sẽ sử dụng fructose có trong mật ong biến acetaldehyde thành acetic acid, một hợp chất khác mà cơ thể tiêu thụ bình thường.
Thêm vào đó, mật ong góp phần làm giảm cảm giác buồn nôn vì mật ong cung cấp natri và kali để cơ thể giải rượu tốt hơn.
Các cách dùng mật ong để giải rượu
Giải rượu bằng mật ong thuần
Nếu bạn cảm thấy khó chịu trong người ngay sau khi kết thúc buổi nhậu gặp mặt, hãy pha khoảng 4 thìa cà phê mật ong với một cốc nước ấm để cải thiện thể trạng ngay lập tức. Trong trường hợp quá mệt mỏi và phải thức dậy với khí huyết đi xuống cùng với những cơn đau đầu, hãy uống từ 2 đến 6 muỗng cà phê mật ong và tiếp tục dùng liều này mỗi 20 phút tùy theo mức độ trầm trọng của tình trạng say xỉn.
Giải rượu bằng mật ong và bánh mì
Những đồ ăn chứa nhiều tinh bột có thể giúp hấp thụ dịch vị dạ dày và ổn định đường tiêu hóa của bạn, giúp giảm cảm giác đói trong khi không gây nên bất kì những kích ứng về mùi vị nào khác. Do vậy, bánh mì là một cách để giảm triệu chứng say xe buồn nôn và trong trường hợp này là do say rượu.
Phết mật ong lên bánh mì để ăn sáng sau một đêm tiêu thụ các đồ uống có cồn giúp ổn định dịch vị và giảm cái cảm giác khó chịu của cả cơn đói lẫn cảm giác nôn nao đang hành hạ bạn.
Nước chanh, mật ong và gừng
Khi uống rượu, các mao mạch trên bề mặt da sẽ giãn nở, khiến cho lượng máu lưu thông nhiều hơn và từ đó gây nên cảm giác cơ thể “ấm hơn”. Nhưng thực chất, điều này chỉ có nghĩa rằng cơ thể của bạn đang “lấy” nhiệt lượng từ bên trong cơ thể và trao đổi với môi trường, một hình thức “mất nhiệt” nhiều hơn là làm ấm người. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nhiệt độ cơ thể giảm trong đêm có thể dẫn tới cảm nguy hiểm tới tính mạng.
Gừng là một phương pháp giảm tình trạng buồn nôn và nôn do rượu bia đã được chứng minh. Thêm vào đó, gingerol và shogaol có trong gừng sẽ giúp cân bằng nhiệt độ trong cơ thể.
Chanh sẽ giúp bạn giảm tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và đau cơ sau khi uống quá nhiều rượu. Chanh cũng sẽ hỗ trợ bạn kiểm soát lượng đường trong máu, thải độc rượu và làm xoa dịu dạ dày do có chứa vitamin C. Thêm vào đóm hệ miễn dịch cũng sẽ được lợi nhờ vào vitamin C, bảo vệ cơ thể khỏi cảm cúm.
Thái một vài lát gừng tươi, nửa quả chanh cùng với mật 4 thìa cà phê mật ong cho người uống rượu trước khi đi ngủ sẽ cải thiện thể trạng rất nhiều cho sáng hôm sau.
Pha nước cam mật ong giải rượu
Cho cam vào lò vi sóng khoảng 30 giây là đủ. Điều này sẽ làm bay hơi tinh dầu trong vỏ cam, giúp cam không bị đắng. Bổ đôi qua cam sau đó sử dụng dụng cụ vắt nước để tách nước cam vào ly hoặc cốc. Thêm 1 – 2 thìa mật ong nguyên chất vào nước cam khuấy đều sau đó dùng uống luôn.
Fructose có trong cả cam và mật ong sẽ là chìa khóa hóa giải acetaldehyde. Thêm vào đó, cam là nguồn vitamin C với tác dụng giống với chanh giúp tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung chất điện giải kali vốn đã bị suy giảm do tác động của cồn tới thận.