Theo Wikipedia định nghĩa, nồi áp suất là một dụng cụ để nấu ăn ở nhiệt độ và áp suất cao hơn so với các nồi thông thường. Do đó, thức ăn sẽ được chín và mềm nhanh hơn. Nồi áp suất dần trở thành một dụng cụ nấu ăn không thể thiếu được trong căn bếp của mỗi gia đình.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nồi áp suất
Nồi áp suất được chia thành 2 loại:
- Nồi áp suất cơ: là loại nồi áp suất truyền thống, các thao tác đóng mở nắp nồi đều được thực hiện bằng lực của tay.
- Nồi áp suất điện: có các linh kiện vi mạch điện tử thông minh, giúp điều khiển hoạt động của nồi, cũng như giúp người dùng dễ dàng sử dụng hơn.
Cấu tạo nồi áp suất cơ
Theo như hình vẽ ta thấy, nồi áp suất cơ thông thường sẽ có 14 bộ phận, lần lượt là:
- Thân nồi: được làm bằng thép hoặc inox có chất lượng cao, dày, chịu được nhiệt độ và áp suất lớn
- Tay nắm phụ: sau khi đã đậy nắp nồi, dùng tay nắm phụ cùng với tay nắm trên và tay nắm dưới để nhấc nồi lên. Nếu chỉ cầm 1 tay nắm thì dễ gây hỏng nồi.
- Tay nắm dưới: kết hợp với tay nắm trên để khóa phần nắp và thân nồi thật chắc chắn.
- Vòng đệm: hay còn gọi là gioăng, giúp nắp và thân nồi được khít chặt với nhau, không có khe hở.
- Chốt khóa: dùng để gắn nắp và thân nồi lại.
- Van trượt: để cố định chốt khóa.
- Rãnh thông hơi: là đường dẫn để không khí thoát ra ngoài khi áp suất quá cao.
- Tay nắm trên: kết hợp với tay nắm dưới để khóa phần nắp và thân nồi thật chắc chắn.
- Chốt chỉ thị nấu: thiết bị an toàn, giúp phân biện trạng thái đồ ăn đã chín hay chưa. Sự nhận biết này thông qua sự chuyển động của nút và tiếng xì của hơi nước.
- Miệng nồi (ống giữa): dùng để cố đinh chốt chỉ thị nấu.
- Van an toàn: thiết bị giúp thoát hơi nước một cách tự động khi nhiệt độ lên quá cao.
- Vành nắp: dùng để gắn và giữ các chi tiết lên trên nắp nồi.
- Bộ lọc: lọc không khí đi ra khỏi nồi áp suất.
- Van báo động: phát ra tiếng kêu khi thức ăn chín hoặc nhiệt độ tăng quá cao.
Cấu tạo nồi áp suất điện
Tương tự như nồi áp suất cơ, nồi áp suất điện cũng có cấu tạo gần tương tự. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác nhau như sau:
- Lòng nồi: chứa thức phẩm cần nấu.
- Thân nồi: bao bọc bên ngoài lòng nồi, chứa các linh kiện điện tử, mâm nhiệt, bảng điều khiển.
- Bảng điều khiể: hiển thị các chế độ nấu và đèn báo hiệu.
- Nắp nồi: có tay cầm phần nắp và van xả áp suất:
- Phụ kiện đi kèm: dây nguồn, muỗng, cốc đo.
Nguyên lý hoạt động của nồi áp suất
Khi cung cấp nhiệt cho nồi sẽ làm nóng phần không khí ở bên trong. Không khí nóng và không thoát được ra ngoài, sẽ gia tăng áp suất, khiến nước sôi ở nhiệt độ cao hơn 100 độ C. Điều này khiến cho nước dễ dàng thẩm thấu vào bên trong thức ăn hơn, khiến chúng chín và mềm nhanh hơn.
Khi dừng cung cấp nhiệt, thì nhiệt lượng trong nồi vẫn còn, thoát ra rất chậm, thức ăn vẫn tiếp tục được đun nấu, nên kiệm năng lượng.
Những ưu điểm của nồi áp suất
So với việc nấu bằng các nồi thông thường khác, nấu bằng nồi áp suất có 4 ưu điểm hơn là:
Rút ngắn thời gian nấu ăn
Do thức ăn được nấu ở nhiệt độ và áp suất cao nên sẽ chín nhanh và mềm nhanh hơn. Do đó thời gian nấu ăn của bạn sẽ giảm xuống. Bạn có thể tận dụng thời gian này để xử lý các công việc nhà khác.
Giữ nguyên hương vị thức ăn
Thực phẩm thời gian đun nấu càng lâu thì chất dinh dưỡng càng mất đi và hương vị càng biến đổi, không giữ được hương vị ban đầu nữa. Nồi áp suất giúp rút ngắn đi thời gian nấu ăn, khiến thức ăn chín nhanh hơn, giữ lại được đa số chất dinh dưỡng và mùi vị của thức ăn.
Độ an toàn cao
Đầu tiên là cơ chế giữ nhiệt để giúp thức ăn chín nhanh hơn. Cơ chế này giữ cho hơi nước không bị thoát ra ngoài. Chính nhờ cơ chế này giữ cho không gian phòng bếp của bạn không bị ám mùi thức ăn.
Tiếp đó là hệ thống van xả thông minh, giúp xả hơi ra ngoài khi nhiệt độ tăng lên quá cao. Một số nồi nếu áp suất bên trong và bên ngoài nồi chưa cân bằng thì không thể mở nồi ra được, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Giúp chế biến được nhiều món ăn khác nhau
Nồi áp suất giúp bạn chế biến được nhiều món ăn nhanh và tiện lợi hơn. Không chỉ dừng lại ở các món hầm, nồi áp suất có thể ninh xương, nấu các món luộc, hấp, nấu cháo, nấu chè …một cách đơn giản, không tốn quá nhiều công sức.
Cách sử dụng nồi áp suất
Đối với nồi áp suất, bạn cần biết cách sử dụng, vừa để đảm bảo an toàn, vừa để giúp nâng cao tuổi thọ của sản phẩm.
Cách sử dụng nồi áp suất cơ
Trước khi nấu ăn
- Đối với thực phẩm thịt cá… bạn nên chặt nhỏ, thái nhỏ hoặc cắt miếng vừa ăn, tẩm ướp gia vị trước. Vì khi đã cho vào nồi nấu thì không thể mở ra nêm nếm gia vị được.
- Đối với các loại ngũ cốc như đậu, đỗ, gạo, lạc, các loại hạt như hạt sen… nên ngâm nước từ 4-6 tiếng trước khi nấu.
Khi cho thực phẩm vào nồi
- Không cho nước vượt quá 2/3 dung tích của nồi. Bởi do cơ chế ngăn chặn sự thoát hơi nên lượng nước trong nồi được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Cho nhiều nước quá có thể dẫn đến bị trào nước, hoặc thực phẩm trào qua van, làm tắc van khí.
- Sau khi đã cho thực phẩm vào nồi, đậy nắp kín lại. Phần tay nắm trên và tay nắm dưới vào đúng run với nhau.
- Ban đầu nên nấu với lửa lớn, khi nồi sôi thì nên giảm lửa để tiết kiệm nhiên liệu.
Khi lấy thức ăn ra khỏi nồi
- Tắt bếp khi thức ăn đã được nấu chín.
- Mở van, xả cho áp suất trong và ngoài nồi cân bằng thì mởi mở nắp nồi.
Cách sử dụng nồi áp suất điện
- Kiểm tra nồi trước khi nấu xem có an toàn không. Kiểm tra kĩ phần dây điện, gioăng cao su, van xả.
- Vì nồi áp suất điện tiêu thụ công suất lớn nên cắm nó 1 mình 1 ổ điện, để tránh gây quá tải điện sinh ra cháy chập.
- Tuyệt đối không mở nắp trong quá trình đun nấu.
- Đối với các loại thức phẩm ngũ cốc như gạo, đậu đỗ nên giảm áp suất thông qua van giảm áp để tránh làm tắc nghẽn van.
Trên đây là cấu tạo, nguyên lý và cách sử dụng nồi áp suất cơ và nồi áp suất điện. Hy vọng thông tin này hữu ích, giúp các bạn dễ dàng sử dụng vào bảo quản nồi được tốt hơn.