Bé nhà bạn đang bị những cơn ho đờm gây khó chịu không nguôi mà không biết cách nào để xử lý tận gốc. Hãy cùng tìm hiểu cách chữa đờm ở trẻ sơ sinh triệt để để cả bé và cha mẹ có được giấc nghỉ yên bình nhất.
Tại sao trẻ lại có đờm?
Đờm có vẻ như luôn luôn đóng vai “kẻ xấu” trong quãng thời gian non trẻ của các bé khi đây là nguyên nhân lớn khiến trẻ khó chịu và quấy khóc, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn hiểu rằng đờm khiến cho trẻ bị bệnh.
Đờm là một loại chất nhầy tích tụ bên trong khoang mũi và cổ họng ở trẻ sơ sinh. Có thể nói đờm chính là một phản ứng bảo vệ có lợi của cơ thể chứ không “đóng vai ác” như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Đờm được sản sinh ra với mục đích là ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại qua hệ hô hấp.
Thông thường, trẻ sơ sinh có đờm ở cổ và họng có nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp do cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường… Vì lúc này sức đề kháng của trẻ còn non yếu dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh chưa có khả năng xử lý chất nhầy một cách hoàn thiện, đờm sẽ tích tụ lại và gây trở ngại tới khả năng hô hấp, tạo nên phản xạ ho để cố gắng tống đờm ra ngoài, gây khó khăn cho việc bú, việc ngủ của trẻ nhỏ.
Các cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh
Vỗ lưng long đờm cho trẻ sơ sinh
Sau một đêm đi ngủ không vận động, đờm sẽ tích tụ tương đối nhiều gây khó chịu cho bé. Lúc bé ngủ dậy, các mẹ hãy làm những động tác sau: Đặt con nằm nghiêng hoặc nằm úp, đầu hơi dốc xuống. Một tay đỡ con trên đùi một tay khum lại và vỗ ở phần lưng của con chỗ giữa 2 bả vai.
Nhịp nhàng và liên tục trong vòng 10 phút, bé sẽ bắt đầu ho và khạc đờm hoặc nôn trớ để đẩy dịch nhờn ra ngoài.
Hút mũi cho bé
Trẻ còn non thơ nên hiển nhiên không thể chủ động tống đờm bằng cách hỉ mũi hay khạc nhổ và chỉ có thể thể hiện sự bức bối bằng cách ho, khóc quấy.
Do vậy, các mẹ hãy hiểu cho bé và không nên nổi cơn thịnh nộ mỗi khi bé bày tỏ sự khóc chịu trong người và nên nhẹ nhàng trò chuyện, tạo nên một phản xạ có điều kiện rằng “bé ngoan, cho mẹ hút mũi thì sẽ cảm thấy tốt hơn”.
Các bước hút mũi để đạt được hiệu quả tốt nhất như sau:
- Bước 1: Dùng nước muối sinh lý dành cho trẻ em (nồng độ 0,9%) nhỏ vào mũi của bé để làm ẩm, lỏng các chất nhầy. Mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý 3 – 5 lần/ 1 ngày để làm lỏng dịch đờm ở cổ bé.
- Bước 2: Đặt bé ở vị trí nằm nghiêng sang một bên. Tay bóp nhẹ bóng của dụng cụ hút, sau đó đưa đầu hút vào một bên mũi của bé. Chú ý làm thật nhẹ nhàng.
- Bước 3: Dùng ngón tay đè nhẹ cánh mũi bên còn lại, từ từ thả bóng ra. Lau sạch đầu hút. Tiếp tục làm với bên mũi còn lại.
Lưu ý: Nên làm nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đến niêm mạc mũi của bé và chỉ nên hút mũi khoảng 4 lần/ngày, không làm quá nhiều.
Dùng tinh dầu tràm để chữa đờm cho trẻ sơ sinh
Tinh dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm gió, có thể dùng để điều trị nhiều bệnh, nhất là các bệnh hô hấp đồng thời làm sạch bầu không khí trong nhà. Vì vậy dầu tràm được dùng như phương thuốc hữu hiệu để chữa đờm cho bé.
Mẹ có thể dùng đèn xông tinh dầu để khuếch tán mùi hương, hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước tắm của bé. Tuy nhiên không nên tinh dầu cô đặc chạm trực tiếp vào làn da non yếu của trẻ, dễ gây nên kích ứng.