” Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió. Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”
Đã từ rất lâu rồi, hình ảnh cây dừa luôn được gắn liền với người dân Việt, được các nhà thơ, nhạc sĩ đưa vào trong nghệ thuật. Như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng miêu tả cây dừa như sau:
” Cây dừa xanh toả nhiều tàu,
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.
Thân dừa bạc phếch tháng năm,
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao…”
Có thể nói, cùng với cây tre, cây dừa đã trở thành một nét văn hóa, nét tượng trưng tiêu biểu cho hình ảnh con người Việt Nam. Không chỉ gắn liền với hình ảnh người dân Việt, cây dừa còn mang có rất nhiều công dụng, đặc biệt là quả dừa. Cùng tìm hiểu về đặc điểm của cây dừa cùng những công dụng của nó trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu về cây dừa
Chắc hẳn chúng ta, ai cũng đã từng uống nước dừa, ăn cùi dừa, xôi dừa hay sử dụng gáo dừa. Cây dừa gắn liền với đời sống của chúng ta thân thuộc mà bình dị đến thế.
Hình ảnh cây dừa
Nguồn gốc cây dừa
Có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về nguồn gốc của cây Dừa. Tuy nhiên, chưa một nguồn thông tin nào thống nhất được về nguồn gốc của nó. Một số học giả cho rằng nguồn gốc cây Dừa xuất phát từ vùng Đông Nam Á, một số khác lại cho rằng nó có nguồn gốc từ miền tây bắc lục địa Nam Mỹ. Nhìn chung, rừng là một loại giống cây phổ biến ở vùng xích đạo và cận xích đạo.
Đặc điểm sinh học của cây dừa
Thân dừa
Cây dừa có danh pháp khoa học là Cocos nucifera, là một loài cây trong họ Cau. Theo Wikipedia, dừa là một loại cây thân lớn, đơn trục. Thân cây dừa hình trụ tròn, có nguồn đốt trải dài từ gốc đến ngọn. Chiều cao trung bình của dừa từ 15-20m, cá biệt có những cá thể dừa trưởng thành có thể cao đến hơn 30m.
Rễ dừa
Rễ Dừa là loại rễ bất định, sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân. Lúc mới sinh, rễ có màu trắng đục, sau đó dần chuyển sang màu đỏ nâu. Dừa không có rễ cọc.
Lá dừa
Lá dừa là là đơn xẻ thủy lồng chim, dài trung bình từ 3-7m, tạo thành tàu dài, tỏa ra nhiều hướng và rũ xuống gốc. Mỗi cây dừa trưởng thành có từ 30 đến 35 tàu lá. Mỗi tàu lá dừa có 2 phần: cuống lá và lá chét.
- Cuống là không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, hơi lõm ở mặt trên. Đáy lá phình to, bám chặt vào phần thân cây. Mỗi khi một tàu lá rụng sẽ để lại sẹo phần thân cây.
- Trên phần cuống lá là phần lá chét, mỗi bên có từ 90-120 lá chét ở mỗi bên. Các lá chét mọc không đối xứng qua phần sống lá chính. Mỗi lá chét có phần gân chính cứng ở giữa, các phần lá mọc nhỏ dần về phần ngọn.
Hoa dừa
Hoa dừa là hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái riêng biệt, nhưng cùng mọc chung trên một gié hoa. Thường các cây dừa thụ phấn chéo. Tuy nhiên, một số giống dừa lùn là tự thụ phấn. Dừa ra hoa liên tục và hoa cái tạo ra hạt.
Mỗi phát hoa dừa có từ 20-40 hoa cái. Số lượng hoa cái ít hơn hoa đực. Lượng phấn hoa trung bình từ 5-10g.
Quả dừa
Quả dừa là loại quả khô đơn độc, hay còn gọi là quả hạch có xơ. Vỏ ngoài cứng, nhẵn. Giữa là lớp xơ dừa và trong là gáo dừa. Vỏ ngoài hóa gỗ, rất cứng, có 3 lỗ mầm thấy rõ.
Khi quả dừa còn non, lớp cơm bên trong mềm và mỏng, có thể dễ dàng cạo ra. Do đó, trong giai đoạn này người ta thường hái dừa lấy nước uống. Khi quả dừa đã già, lớp vỏ ngoài cứng và có màu nâu, lớp cơm bên trong cứng lại và nước dừa lúc này sẽ có vị nồng hơn.
Cơm dừa hình thành từ tháng thứ 5 sau khi thụ phấn. Đến tháng thứ 7 hoặc 8 có thể thu hoạch lấy nước, tùy từng giống cây. Phần cơm dừa thu hoạch được có thể sử dụng là nguyên liệu nấu ăn, làm mứt hoặc để làm dầu dừa.
Phân loại cây dừa
Dừa có nhiều loại, được đặt tên theo vùng phân bố. Nhưng nhìn chung, dừa được phân bố thành 2 nhóm chính:
- Giống dừa cao (tail coconut). Sản lượng trung bình khoảng 30 quả 1 năm. Có những cây có năng suất cao có thể lên đến trên 70 quả 1 năm.
- Giống dừa lùn (dwarf coconut). Được mệnh danh là vua dừa với quả có nước uống rất ngọt.
Phân bố và cách trồng
Dừa thường được tìm thấy tại vùng khí hậu xích đạo, nhiệt đới, nơi có độ ẩm và lượng mưa lớn. Tại Việt Nam, dừa được tìm thấy tại khắp mọi miền trên tổ quốc. Tuy nhiên, dừa được trồng nhiều và nổi tiếng nhất là tại Bến Tre.
Thông thường, dừa được trồng vào tầm tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, thời điểm có lượng mưa lớn. Dừa thích hợp nhất là được trồng trên đất thịt pha cát, có khả năng thoát nước tốt. Vào mùa khô nên tưới nước cho cây thường xuyên, làm đất và bón phân cho cây vào đầu hoặc cuối mùa mưa.
Công dụng của cây dừa
Tất cả các phần của cây dừa đều có thể sử dụng, tận dụng, không bỏ đi phần nào. Do đó, trong tiếng Phạn, người ta gọi cây Dừa là “kalpa vriksha” có nghĩa là “cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống“. Trong tiếng Mã Lai, dừa cũng được gọi là “pokok seribu guna”, tức là “cây có cả ngàn công dụng“.
Dưới đây là những công dụng của cây Dừa thường được biết tới.
Quả dừa
- Quả dừa thường được thu hoạch để lấy nước uống. Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng, giúp cân bằng điện giải, là thức uống giải khát phổ biến tại vùng nhiệt đới.
- Nước dừa cũng có thể dùng để chế biến thành thạch dừa, rất được ưa chuộng.
- Cơm dừa là phần màu trắng có ở bên trong quả dừa. Cơm dừa là nguyên liệu để sản xuất nhiều món ăn, mứt hay dầu dừa.
- Nước cốt dừa được chế biến từ cơm dừa là thành phần của nhiều món ăn ở Đông Nam Á.
- Kẹo dừa dẻo dẻo, ngọt ngọt là món yêu thích của nhiều người.
- Mứt dừa là món phổ biến, thường được làm và bán chủ yếu vào dịp tết cổ truyền.
- Kem dừa là kem có phần cơm dừa bào nhỏ.
- Gáo dừa là vỏ quả dừa khô, thường được dùng để múc nước, trồng cây hay sản xuất một số loại nhạc cụ dân tộc.
Thân dừa
- Người ta thường thu hoạch nhựa dừa bằng việc rạch các cụm hoa dừa, để lấy làm men chế biến rượu vang dừa.
- Xơ dừa khô được dùng làm dây thừng, dây chão hoặc làm chất độn trong phân bón.
- Vỏ dừa, xơ dừa, lá dừa hay thân dừa khô được tận dùng làm chất đốt.
- Ở nhiều địa phương người ta vẫn tận dụng lá dừa phơi khô làm mái che. Ngoài ra lá dừa còn được làm chổi hoặc các đồ thủ công mỹ nghệ.
- Gỗ dừa thường được sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ, thùng chứa hoặc các loại xuồng nhỏ.
- Gỗ Dừa còn được dùng làm vật liệu xây dựng, nổi tiếng nhất là cung điện Dừa tại Malila.
- Rễ dừa được dùng làm thuốc nhuộm, nước súc miệng hay để chữa bệnh lỵ.
- Củ hũ dừa là phần lõi bên trong cây dừa, thường được hái làm món ăn. Tuy nhiên, nếu lấy phần này sẽ phải chặt và làm chết cây dừa.
Trên đây là một số thông tin về cây Dừa. Hy vọng thông tin này hữu ích và cảm ơn các bạn đã đón đọc.